*
* *
*
* *
Sau chuyến đi công tác, Uy tỏ ra khác với tôi hơn, hắn ta nhẹ nhàng hơn nhưng con mắt ẩn chứa một mưu đồ mà tôi chưa rõ động cơ. Tôi thấy mình sẽ phải cảnh giác. Thế nhưng thế gian có câu phòng người ngay chứ phòng sao nổi kẻ gian. Tôi không thể phòng cái người cố ý phá mình. Uy đã soạn một bản báo cáo thu hoạch sau chuyến đi mà không có sự tham gia hay đóng góp ý kiến của tôi nhưng bên dưới vẫn có tên tôi trong danh sách soạn thảo. Bản báo cáo thu hoạch có một số chi tiết không đúng như việc “Chúng tôi ăn uống kham khổ, ở chật chội và có những hôm thức đêm đến sáng để lấy tư liệu...nhưng trong hoàn cảnh khốc liệt đó vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Tôi không đồng tình với cách viết tâng bốc mình lên như thế nhất là khi Uy chưa một lần xuống bản. Tôi không thèm chấp cái chuyện trốn việc của Uy nhưng nếu hắn phản ánh đúng sự thật và khiêm tốn thì tôi cũng bỏ qua nhưng làm thế này với nghề báo là không được.
Tôi cầm tập tài liệu và sang phòng Uy trước con mắt đầy lo lắng của Nhi. Uy đang ngồi xoay mặt về phía cửa sổ và ngả người trên chiếc ghế tựa bọc da đen, hắn đang say sưa tán chuyện điện thoại với ai đó, thái độ rất đong đưa. Tôi kiên nhẫn ngồi xuống ghế chờ hắn, khoảng gần 10 phút sau, Uy mới kết thúc cuộc điện thoại, hắn giật mình khi thấy tôi ngồi đó, thấy tập tài liệu, hắn biết chuyện gì. Hắn nhẹ nhàng lấy ấm pha trà và giọng điệu đon đả :
- Chào Lam, sang đến nơi mà không gọi tôi, khổ quá, có mấy anh bạn cứ rủ đi nhậu nhẹt nhưng tôi nào thích mấy thứ đó, say rượu mất tư cách lắm.
Tôi cười và vẫn điềm nhiên :
- Vâng, không có gì, không có khách hàng như anh thì điện thoại bán dịch vụ cho ai vả lại mấy khi tôi sang phòng anh đâu, nhân thể ngồi ngắm nghía mấy thứ.
- Lam uống nước đi rồi mình nói chuyện, tôi biết Lam sang đây vì lý do gì rồi.
- Tôi đang chờ một lời giải thích từ anh.
- Thì Lam cứ thử xem, bản báo cáo đâu có ảnh hưởng đến ai, nó không làm Lam xấu đi, không ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế của Lam, không thoá mạ, xúc phạm nhân phẩm Lam mà ở một khía cạnh khác nó còn làm tăng giá trị của Lam.
- Anh nói hay lắm nhưng anh còn chưa hiểu hết về tôi, tôi muốn mọi người tôn trọng tôi ở những việc tôi làm, ở những thực tế mà tôi tôi nhìn thấy và phản ánh chứ không phải bằng cái cách tự đánh bóng tên tuổi mình.
- Được, tôi sẽ làm theo ý Lam, tôi sẽ sửa lại bản báo cáo ấy cho phù hợp.
- Tôi đánh giá cao tinh thần tiếp thu ý kiến cấp dưới của anh, mong là chúng ta sẽ hiểu nhau hơn trong các lần hợp tác sau.
Tôi đứng dậy và Uy cũng đứng dậy sau tôi, hắn chìa tay ra bắt tay tôi rất thân thiện. Tôi đi rồi Uy gọi ngay cho nhân viên :
- Hoà, chỉnh ngay cho anh bản báo cáo này.
- Anh muốn chỉnh theo hướng nào?
- Bỏ tên Trần Hải Lam đi.
Uy bỏ điện thoại xuống, trên môi nở một nụ cười nửa miệng đầy xảo quyệt.
Sau khi đi công tác về Thùy đã suy nghĩ rất nhiều, trong mắt đồng nghiệp và bạn bè Thuỳ là một người ít vốn sống ngoài đời, với họ Thuỳ quá đơn giản, quá vô tư, nhàn nhã hưởng thụ những gì mà cha mẹ mình sắp đặt sẵn, cô đã có một vị hôn phu tương lai quá mỹ mãn về cả vật chất lẫn hình thức, cô sẽ chẳng bao giờ phải lo nghĩ gì về tương lai của mình cả. Cô không hiểu biết nhiều về nhân tình thế thái, cô sống mẫu mực như một công thức đã thiết lập trước, cuộc sống của Thuỳ cứ đều đều trôi qua yên ả, không có sự đột biến nào đáng kể. Cứ nghĩ thế sung sướng và hạnh phúc lắm rồi. Nhưng sự thật Thuỳ không như thế, họ nghĩ chưa hết về Thuỳ, Thuỳ cũng biết cảm nhận nỗi đau của bệnh nhân hay người thân của họ, Thuỳ biết cái xã hội VN bây giờ đang chuyển mình mạnh mẽ. Thùy biết cuộc sống không toàn màu hồng. Trước khi quen và yêu Bảo, Thuỳ là một cô gái đầy năng động, tự tin, kiêu ngạo và rất bướng bỉnh nếu không muốn gọi là “đầu gấu”. Thuỳ có lối sống cực kỳ hiện đại, hiện đại từ quan điểm tới hình thức. Thuỳ táo bạo trong cách ăn mặc, trang điểm, táo bạo trong học tập và trong cuộc sống. Phương châm sống của Thuỳ là sống trước hết là cho mình vì thế phải sống thật vui, thật khoẻ, sống phải biết hưởng thụ những giá trị vật chất do chính mình tạo ra. Thuỳ có thể tự quyết định một vấn đề gì đó mà không cần tham khảo bất kỳ ý kiến ai kể cả cha mẹ, sau này khi quen và yêu Bảo và nhất là sau khi mẹ mất, Thuỳ đã thay đổi hẳn.
Bảo, hôn phu tương lai của Thuỳ là một chàng trai khá thành đạt, tinh tế là hình mẫu lý tưởng của khá nhiều cô gái, anh yêu chiều Thùy, Thùy không hề mảy may nghi ngờ về tình yêu của anh ấy dành cho Thùy nhưng đấy mới chính là sự sắp đặt mà 2 bên gia đình đã thỏa thuận từ trước. Thùy ngoan ngoãn nghe theo lời cha mẹ như một đứa con có hiếu, cả hai đứa từng đi du học cùng nhau, anh ấy hơn Thùy 4 tuổi, khá chững chạc. Với Thuỳ được kết hôn và sống cùng anh ấy là trọn vẹn cái mục đích của một người phụ nữ, mẹ bảo Thuỳ như thế. Từ đó Thuỳ ít khi đi đâu xa mà không có Bảo, thế giới của Thuỳ chỉ còn có Bảo, dần dần nó mặc nhiên trở thành một thói quen, nói một cách đơn giản là Thuỳ đã lệ thuộc khá nhiều vào Bảo và nó chính là nguyên nhân để Bảo lấn lướt Thuỳ sau này. Cuộc sống cứ như thế đều đều trôi qua, không đột biến, không mới lạ, không hào hứng cũng chẳng mê say. Nếu như không có chuyến đi công tác vừa rồi với Lam, Thuỳ cũng sẵn sàng cho cái hôn ước đã định sẵn ấy nhưng Lam đã thổi vào cuộc sống tẻ nhạt của Thuỳ một làn gió mới, Thuỳ bỗng thấy con người thật của mình như sống lại, Thuỳ khát khao được sống một cuộc sống phóng khoáng như Lam, khát khao được tìm hiểu cái thế giới bên ngoài đầy màu sắc chứ không phải cái thế giới thượng lưu đầy lễ giáo mà bạn trai cô vẫn mang cô tới đó. Tất cả những thứ đó cô thấy được ở Lam và cô đã nghĩ về Lam mỗi ngày, cô nghĩ về việc sẽ gặp Lam nhiều hơn, sẽ học hỏi ở Lam những điều cô cần phải có.
*
* *
Chiều hôm ấy khi tôi đang lang thang trong cái nắng “kinh hoàng” mùa hạ, trời oi bức như sắp đổ một cơn giông, nắng từ trên cao đổ xuống, hơi nóng từ mặt đường trải áp-phan bốc lên, cái nắng nóng xông vào tận con mắt tôi, nước mắt chảy ra không kiểm soát được, đâu đó trên đường đã xuất hiện những đợt sóng nắng như người ta vẫn thường thấy khi đi trên sa mạc. Đúng lúc ấy tôi nhận được lời nhắn của Thuỳ :
- Hôm nay là ngày một người đã sinh ra đời, cái người đã tặng bạn quà sinh nhật và giờ người ta đòi bạn phải trả lại cho người ta một món quà, đi uống cà phê với Thuỳ nhé!
Tôi ngẩn người, giữa cái nắng như thiêu như đốt mà da tôi cứ nổi lên đầy nốt như da gà. Trong chốc lát tôi còn chưa kịp hiểu tin nhắn của Thuỳ, một cái tin nhắn nửa như mời mọc nửa như áp đặt, sinh nhật Thuỳ à. Ừm, nhưng mà người ta không thể đi sinh nhật mà không có quà, đúng rồi, sinh nhật là phải tặng quà. Quà hả? Lại là một vấn đế mới phát sinh nhưng quà gì nhỉ, mình phải tặng quà gì cho người ta đây nhỉ? Cứ như những đứa bạn thông tường khác thì tôi có thể ghé tiệm mua son, phấn, nước hoa hoặc cứ huỵch toẹt "Mày thích gì, nói mau!". Nhưng với Thuỳ thì...Ôi sao tôi đau đầu thế này. Quà sinh nhật, uống cà phê, uống cà phê, quà sinh nhật tôi cứ lẩm bẩm như niệm chú thế cho đến khi về nhà, tôi ào vào tắm táp những mong trong cái mát lạnh của nước đầu óc tôi tỉnh táo có thể tôi nghĩ ra điều gì đó chăng. Quả thật sự sáng suốt của tôi không phụ tôi. Tôi lập tức ăn vận chỉnh tề và dõng dạc :
- Bu à! Cắt cơm con nhé!
- Mày lại đi đâu thế hả con? Nóng thế này ăn uống ở nhà có phải vệ sinh không?
Tôi tiến lại hôn đánh chụt vào má mẹ :
- Mẹ đừng lo, con đi với người nhìn đâu cũng thấy vi trùng mà, sẽ không ăn uống nhộm nhạo đâu.
Chỉ kịp như vậy là tôi biến, dắt chiếc xe kềnh càng của mình ra cửa và mỉm cười khi biết rằng cửa sổ trên cao có ông bác già đang nhìn xuống lắc đầu. Tôi cho xe dong thẳng đến cửa hàng đồng hồ quen thuộc, lựa mãi tôi mới tìm được một chiếc vừa ý, tất cả các loại đồng hồ đeo tay của tôi đều có xuất xứ từ cái cửa hàng này, tôi chuộng nó không hẳn là vì kiểu cách mà là vì cả cái chất lượng của hàng bán ra. Cô bé bán hàng nhìn cái model của tôi và kết như điều đổ :
- Chị cắt tóc ở đâu mà đẹp thế ạ?
- Có giảm giá thì nói không thì thôi chị giữ làm bí mật.
Tôi vừa nói đùa vừa cười, cô bé toe toét :
- Èo, em mà giảm được thì tặng chị luôn đấy chứ. Trông chị xinh quá!
Tôi cười làm duyên trước câu khen của cô bé. Cặp mắt kính đen che bớt đi vẻ sung sướng trong mắt tôi.
Còn khá sớm để đến chỗ hẹn. Tôi vui vẻ đi trong cái nóng hầm hập của đường phố về chiều, cứ thong thả dạo chừng 20 phút để ngắm nghía sự nhộn nhịp, hối hả của dòng người tan ca, lạc lõng có mỗi mình tôi cứ thảnh thơi, ung dung tự tại. Chắc có người sẽ nhìn tôi như một kẻ rỗi hơi, vô công dồi nghề đi dạo ngoài đường lúc này. Thây kệ, quan trọng là cái điểm hẹn sắp tới chứ mấy chuyện ai đánh giá tôi cho qua luôn. Tôi quay lại điểm hẹn vẫn còn sớm hơn 15 phút, nghĩ mình như thế là cũng rất lịch sự và tôn trọng Thùy rồi. Ai ngờ, tôi vừa bước chân vào quán, Thùy đã đón tôi với một nụ cười mà dù cho Thùy có ở tận góc nhà tôi cũng vẫn thấy vì sự rực rỡ của nó. Tôi đâm bối rối, tay chân lại hơi run rồi, tôi lườm nó và định bụng sẽ gửi nó vào bệnh viện nếu nó còn vang lên cái điệp khúc "trùng trùng quân đi như sóng" thế này. Điều hòa mát lạnh mà lưng tôi mồ hôi vẫn chảy. Tôi cố cười thật tươi để che dấu đi vẻ mất bình tĩnh :
- Thùy! Thùy đến sớm thế?
- Thùy sợ có người lại làm toáng lên nếu Thùy không có mặt đúng giờ.
Thùy đang cạnh khóe tôi cái vụ ở bệnh viện lúc tôi đưa bác Dũng vào đấy. Được rồi, Lam không chịu thua đâu, tôi định bụng sẽ tìm cách trả đũa cô bác sỹ tưởng như hiền lành này.
- Nhưng hôm nay không có bệnh nhân nhỉ?
- Có đấy, có người đang mắc chứng Parkinson kìa.
- Lam nhớ là hôm nay sinh nhật Thùy chỉ bảo mời có Lam, không lẽ còn có anh bạn trai già nào có bệnh Parkinson sao?
- Tiếc là trẻ đã mắc bệnh ấy rồi. Mà thôi không sao, Lam ngồi đi, đứng lâu thế bệnh nó thêm trầm trọng.
Tôi hậm hực ngồi xuống ghế, cô nàng này thật không vừa chút nào.
Thuỳ trông lại trẻ ra sau lần đi công tác, kể cũng lạ, cứ sau mỗi lần gặp nhau tôi lại thấy Thuỳ trẻ hơn, đẹp hơn, nữ thần thời gian dường như cũng phải khuất phục trước Thuỳ. Có một điều làm tôi cứ thắc mắc mãi, không biết tại sao cô ấy lại dành buổi tối đặc biệt này bên tôi, bạn trai cô ấy đâu, cái tò mò nó cự ngọ ngoạy mãi trong tôi và bản tính thẳng thắn khiến tôi hỏi ngay Thuỳ mà không cần vòng vo tam quốc :
- Bạn trai Thùy đâu?
- Lam muốn gặp mặt hả, để Thuỳ gọi nhé.
Tôi vội vàng xua tay :
- Không, không phải thế mà ý Lam muốn hỏi tại sao Thuỳ không đón sinh nhật cùng anh ấy?
- Thuỳ phải hiểu thế nào về câu hỏi này nhỉ, Lam không muốn ở đây cùng Thuỳ?
- Thôi mà, Thuỳ cứ hiểu theo nghĩa đen của câu hỏi thôi.
- Ừ, thì anh ấy bận trực nên không đi được.
Tôi gật đầu và rút từ trong túi ra món quà của mình, Thuỳ khẽ nghiêng đầu, khoanh hai tay lên bàn nhìn tôi như dò hỏi và tôi lại luống cuống rồi, tôi ấp úng :
- Tặng cho Thuỳ này, sinh nhật vui vẻ nhé!
- Thuỳ mở ngay được không?
- Ừm, dĩ nhiên rồi.
Thuỳ cẩn thận và háo hức cởi bỏ lớp giấy màu hồng bên ngoài, khuôn mặt cô bỗng đổi sắc khi thấy chiếc đồng hồ của tôi, tôi lo lắng hỏi :
- Thuỳ không thích hả?
Thuỳ lắc đầu :
- Lam làm Thuỳ thấy ái ngại quá, lẽ ra Thuỳ không nên nói với Lam về sinh nhật mình.
Tôi hiểu Thuỳ đang nghĩ gì nên vôi vàng thanh minh:
- Xin đừng hiểu lầm Lam, xin đừng quá quan trọng hoá vấn đề, chỉ cần làm Thuỳ vui thì mọi chuyện chẳng có gì là quá với Lam.
- Tại...tại sao Lam lại tặng Thuỳ đồng hồ?
- Vì nó ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống vì nó ghi lại những gì đã qua và chờ đợi những điều sẽ đến. 24 giờ trong ngày là khoảng thời gian Thuỳ sẽ muốn có người mình yêu ở bên.
Thuỳ khẽ lặng đi xúc động vì lời giải thích của tôi, với Thuỳ tôi luôn luôn giữ được những cảm xúc chân thật và trong sáng nhất. Đó là điều mà tôi luôn luôn tìm kiếm từ rất lâu rồi, giữa bộn bề cuộc sống, tôi dần đánh mất sự vô tư của mình và để những cái sự thật phũ phàng kéo tôi đi, nhiều lúc tôi trở thành con người khó tính, nóng nảy và rất khó gần cho nên tôi hay lân la bên cạnh lũ trẻ chỉ để được nhìn thấy sự vô tư trong đôi mắt của chúng, điều đó giúp tôi có niềm tin, giúp tôi sống tốt hơn. Nay thì tôi không phải đi đâu nữa, cái tôi tìm kiếm ở ngay cạnh tôi, tôi bỗng ao ước hàng ngày được nói chuyện với Thùy, hoặc là một vài phút điện thoại, hoặc một buổi cà phê và hoặc chỉ là một tin nhắn ngắn gọn mà thôi. Mẹ tôi rất lo cho cái trạng thái tình cảm dở dở ương ương của tôi, tôi thoắt vui, thoắt buồn, lúc hào hứng lúc lại ỉu hơn cơm nguội, nếu ai muốn yêu tôi chắc sẽ phải học cách chấp nhận tôi. Thực ra nói như vậy nhưng tôi cũng có cái giá trị của mình đó là tôi sống chân thật, yêu nhiệt tình và hy sinh hết mình cho công việc. Thế đấy người ta nói lắm tài nhiều tật nhưng khách quan mà tự nhận xét thì tôi thấy mình tài thì chưa thấy mà tai thì cả một thúng.
Chúng tôi ngồi bên nhau gần ba giờ đồng hồ, ba giờ đồng hồ cho những tâm sự thầm kín, cho những nỗi âu lo được giãi bầy, cho những trăn trở còn dang dở chưa có lời kết. Càng ngày cả hai chúng tôi càng tìm được những sự đồng điệu trong tâm hồn, trong cách sống và trong cả suy nghĩ của mình. Không ai nói với ai nhưng chúng tôi hiểu chúng tôi cần được gặp nhau thường xuyên hơn.
Tôi đưa Thùy về nhà sau khi chúng tôi dứng dậy ra về sau cả buổi tối ngồi lỳ trong cái quán nhỏ, thơ mộng. Cũng may chủ quán là người quen của Thùy nên chúng tôi có được chỗ ngồi lý tưởng và chẳng ai mảy may để ý đến sự có mặt của chúng tôi.
Chúng tôi đi chầm chậm trong cái mát mẻ của tiết trời về khuya, không hiểu vì vô tình hay hữu ý mà Thùy lại đi taxi đến nơi hẹn thành thử tôi lại có cái vinh hạnh được hộ giá cô ấy hồi cung thế này. Tôi lúng túng vì cái xe cổ lỗ của mình, chỉ tại tôi ham mê mấy cái xe cổ này nên giờ mới đâm ra quê quá. Cái xe này là nguyên nhân của những trận "khẩu chiến" giữa tôi và ba. Ba không hài lòng cho tôi sử dụng mấy cái loại vespa cổ lỗ này vì nó ảnh hưởng khá lớn đến công việc của tôi, tính tôi vốn đã hay ngủ dậy muộn thế mà sáng dậy không ít lần ba đã phải chổng mông đẩy cái xe của tôi ra đến tận đầu ngõ nó mới chịu phành phành nổ máy, tôi đi rồi mà vẫn còn cảm nhận được dáng ba lẫn trong đám khói với bộ mặt hầm hầm kèm lời nói "Con với chả cái..."
Tối nay cũng vậy chỉ thiếu nước Thùy phải làm thay việc của ba tôi thôi, tôi toát mồ hôi chán, dán mồ hôi lưng thì cái xe mới chịu ậm ừ mời khổ chủ lên, tôi điên tiết lườm nó và đầu tôi lóe lên một chữ "Bán!" . Thùy tủm tỉm cười rồi leo lên sau xe tôi, trông chúng tôi cũng có dáng nghệ sỹ ra trò. Đã gần 11 giờ, đường phố Hà Nội thưa thớt hẳn khác hẳn cái vội vàng, náo nhiệt cách đây 2 tiếng, tôi ưỡn ngực, hít cái không khí mát mẻ no căng lồng ngực, ánh đèn cao áp lấp lóa trong những lùm cây cổ thụ làm con đường như dài hơn. Đường phố thênh thang hơn nên cái xe còi của tôi được dịp gào to hơn trong sự tĩnh mịch, nó thành ra lại làm chúng tôi giảm bớt những khoảng trống của mỗi lần ngập ngừng chưa biết tiếp tục nói chuyện như thế nào. Tôi không muốn đi nhanh và nó cũng vậy, cứ nghển cổ đón cái gió mát hiếm hoi giữa những ngày hè, chắc là từ khi về phục vụ tôi, bữa nay nó nhàn nhất. Thế nhưng giá như ai cũng cẩn thận như tôi thì không nên chuyện. Đường rộng, người vắng, mấy anh thanh niên, tóc xanh, tóc đỏ chở bạn gái lao đánh vèo một cái qua đèn đỏ trước sự sửng sốt và bất ngờ của tôi, tôi vội vàng thắng cái xe lại, cú phanh gấp làm cả người Thuỳ dồn về phía trước, mặt cô ấy áp vào lưng tôi và tôi xin thề tôi không hề nói sai tí nào, tôi cảm nhận được khuôn mặt đỏ gay của cô ấy cùng hơi thở dồn dập phía sau lưng tôi nóng bỏng.
- Lam xin lỗi nhé, không phải tại Lam.
- Không sao, Thuỳ không đội mũ bảo hiểm mà.
- Thuỳ có muốn thử cảm giác vượt đèn đỏ không? Tôi bỗng nổi máu yêng hùng.
- K...h...ô...n...g!
Thuỳ hét lên như một đứa trẻ bị doạ ba bị, tôi không nhịn được cười, làm sao mà tôi có thể chạy với tốc độ chóng mặt bằng cái xe này chứ, nó đi bình thường cũng đã ì ạch lắm rồi. Nhưng cái hứng chí của tôi dường như đã lan sang cả Thuỳ, cô ấy khẽ túm lấy eo tôi và nghển cổ ghé sát tai tôi hỏi :
- Lam này! Lam có thể về muộn chút không?
Tôi không hiểu ý Thuỳ muốn gì nhưng tôi vẫn gật đầu, bình thường tôi cũng vẫn làm việc khuya nên về muộn cũng không thành vấn đề.
- Thuỳ muốn được đi một vòng trước khi về.
- Lam rất sẵn lòng, đi khắp các phố hả?
- Ừm, đi tất cả các phố.
Phố cổ trong tiềm thức của tôi là tiếng leng keng tàu điện, là cái lần tôi trốn ba mẹ đội trời mưa cùng đứa bạn thân lang thang lên tận hàng Mã mua một khẩu súng phun nước để rồi khi về lại nhảy lên cái tàu điện ấy, tia lửa loé lên trên nóc tàu trông phát hoảng, lần ấy tôi nhừ đòn của ba. Những con phố, những kỷ niệm làm chúng tôi trở thành những người giàu có, sẽ chẳng là gì nếu ai không có những ký ức tuổi thơ. Những gì tôi còn nhớ được có thể chỉ là những ngày khốn khó, ở đâu cũng thấy sự khốn khó, ba thương tôi mua cho tôi được một chút thịt cũng phải rim đậm đậm một chút để ăn dè. Những con phố cổ này là hiện thân duy nhất của sự sung túc, tôi vẫn luôn lạ lẫm và như ở quê ra tỉnh mỗi khi nhảy tàu điện lên đây. Nhà tôi cũng chẳng xa xôi gì, giờ đi xe máy 10 phút thì đến nơi nhưng ngày ấy sao nó xa lắc, xa lơ làm vậy, có lẽ cái khó khăn cũng in đậm trên mỗi mét đường. Ngay cả người con gái phía sau lưng tôi cũng chẳng bao giờ tôi nghĩ mình có thể chơi được, đơn giản vì Thuỳ là con gái phố. Con gái phố kiêu lắm, sang lắm, cứ nhìn cách ăn mặc, đi đứng hay cách chơi là cũng thấy đẳng cấp rồi vì thế tôi luôn nghĩ không nên kết thân với họ. Nhanh quá, mới đấy đã hơn 20 năm, chẳng ai ngờ cái mảnh đất khỉ ho, cò gáy nhà tôi giờ có giá đến cả vài tỷ bạc, dân phố phường nơi tôi ao ước ngày xưa giờ lại đua nhau về khu nhà tôi ở. Mọi chuyện giờ đây đã thay đổi rồi, khoảng cách về sự giàu nghèo cũng thay đổi rồi, tôi đã theo kịp những cô gái phố và cũng chẳng còn ái ngại nhiều khi phải kết thân với họ.
Có lẽ giống như tôi, những cảm xúc đã làm Thuỳ chếnh choáng, tôi thấy lưng mình ấm lên, Thuỳ đã ngả đầu vào lưng tôi từ lúc nào không hay. Tôi ích kỷ và tham lam cứ để mặc Thuỳ, không ngại ngần cũng chẳng cần ý tứ, tôi làm sao thế này khi thấy mình lại có cảm giác lạ, rất lạ với Thuỳ, cái cảm giác mà tôi chưa có bất kỳ với ai kể cả con trai hay con gái. Thuỳ áp tai vào lưng tôi giống như một bác sỹ khoa nhi đang khám bệnh và tôi ngoan ngoãn vui lòng làm một bệnh nhân. Chúng tôi lướt qua cổng chợ Đồng Xuân, cả hai bỗng thèm một cốc trà đá ven đường, tôi dừng xe, kéo Thuỳ vào cái gốc cây cổ thụ, quán nước trà khá đông, toàn thanh niên như chúng tôi. Tất cả chỉ muốn ngồi ngắm người đi lại ban đêm, ngắm cái phố xá vắng vẻ và tận hưởng những giây phút nhàn hạ, muộn màng khi thành phố về đêm. Cái tĩnh lặng dễ chịu đã đủ sức thuyết phục Thuỳ nếu Thuỳ còn hoài nghi hay e ngại khi cùng tôi vào đây. Cô ấy cũng hào hứng đón lấy cốc trà, nhâm nhi vẻ đăng đắng của nó, cô ấy đưa cốc trà lên má cho cái mát lạnh thấm vào da thịt. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, tôi thích những cái quán cóc như thế này, ở đây trên cái ghế nhựa nho nhỏ tôi có thể thoải mái duỗi đôi chân dài ngoẵng như cò hương của mình ra, có thể ngả nghiêng các tư thế mà chẳng ngại bị thiên hạ đánh giá, cũng ở đây tôi có thể nghe được những câu chuyện chân thật , những câu chuyện cảm động về cuộc sống mà tôi chẳng thể nào biết được nếu như tôi ở trong một nhà hàng. Thuỳ ngước đôi mắt nâu nhìn tôi và hỏi :
- Lam có hay đi như thế này không?
Tôi nhìn Thuỳ, chỉ khẽ gật đầu.
- Lam...Thuỳ muốn được đi cùng Lam như thế này.
- Thuỳ có gan không? Thuỳ còn phải dành thời gian cho bạn trai nữa đấy, rảnh đâu mà còn đi với Lam.
Nhắc đến bạn trai, Thuỳ im lặng cúi đầu không nói. Đã hai ngày nay cô và Bảo không liên lạc với nhau sau khi anh dỗi cô chỉ vì cô mới mua thêm một đôi giày cao gót mà Bảo không thích phụ nữ cụ thể là cô đi giày cao gót và ăn mặc thời trang. Bảo giỏi, rất giỏi, là đồng nghiệp của Thuỳ, anh thành đạt khá sớm nên có một niềm kiêu hãnh riêng mà sau này nó quá ngưỡng trở thành sự kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo của một người trẻ tuổi thành đạt lâu dần trở nên ảnh hưởng đến tính cách của anh và tình cảm của cả hai, nó tạo nên một khoảng cách giữa cô và anh. Bảo có thể cho Thuỳ tất cả nhưng đổi lại cô không được than vãn về những trận tennis muộn màng của Bảo, không được có ý kiến về việc Bảo giao du với bạn bè ở những trận bia rượu có thể thâu đêm suốt sáng. Là một con người hiện đại, được học hỏi rất nhiều từ văn minh Âu châu nhưng Bảo vẫn là một người đàn ông châu Á với những quan niệm bảo thủ và gia trưởng truyền thống. Với Bảo đàn ông chỉ có nhiệm vụ kiếm tiền, ngoài ra chấm hết, sẽ không có sự giúp đỡ nào hết về những việc bếp núc hay con cái. Anh hay lên án mạnh mẽ những đồng nghiệp hay bạn bè mình nếu hắn vội vàng trở về nhà đón con cho vợ sau giờ làm việc. Anh cười ầm ĩ nếu thấy đứa nào chui vào bếp cắm giúp vợ nồi cơm hay tắm cho con vì hôm nay vợ bận họp. Bảo gọi những người như vậy là đồ mặc váy. Cứ như thế những cái ý nghĩ ích kỷ ấy nó ngấm dần vào tư duy anh, nó ăn sâu và bắt rễ trong bộ não anh khiến anh trở nên ích kỷ và độc đoán. Anh yêu Thuỳ bằng tình yêu của một kẻ bề trên, cái điều Thuỳ muốn có nhất là chính con người anh thì anh không thể cho cô. Gần 4 năm yêu anh, Thuỳ đã phải hy sinh rất nhiều những sở thích của một thời con gái cho phù hợp với anh nhưng dường như Bảo không nhận ra điều đó. Trong thâm tâm anh yêu Thuỳ nhưng anh muốn Thuỳ phải phục tùng anh, phục tùng những quan điểm mà anh đưa ra. Với anh, Thuỳ hiếm khi thấy mình đúng. Đã rất nhiều lần Thuỳ định chấm dứt quan hệ với anh nhưng nghĩ đến ba mẹ và sự chiều chuộng của anh nên Thuỳ lại mủi lòng. Lần này cũng vậy, không biết đã là lần thứ bao nhiêu cô và anh cãi nhau về mấy cái chuyện cỏn con, vặt vãnh thế này rồi. Thật lòng mà nói cô bắt đầu thấy ngột ngạt trong mối quan hệ với anh, chưa lấy nhau đã thế này không hiểu cô có thể tìm thấy hạnh phúc nơi anh không. Những bất đồng mới đầu tưởng chừng sẽ đưa cô và anh lại gần nhau, hiểu nhau và yêu thương nhau hơn nhưng không nó đang ngày càng bào mòn cái cảm xúc yêu thương trong cô và cô thấy rùng mình vì thấy cô và anh đang dần xa nhau. Sự mâu thuẫn về tính tình và quan điểm sống càng ngày càng bộc lộ rõ và cô thật sự hoài nghi về quyết định kết hôn của mình. Nay Thuỳ gặp Lam, cái sự tự do trong lối sống phóng khoáng của Lam càng làm Thuỳ như bừng tỉnh. Thuỳ đã nhịn Bảo nhiều, lần này Thuỳ không nhịn nữa, Bảo ương bướng, tự tin đến mức chủ quan vì nghĩ rồi đâu lại vào đấy, Thuỳ sẽ không dám bỏ Bảo nên đến sinh nhật Thuỳ, Bảo cũng cố tình làm thinh. Thuỳ buồn nhưng Thuỳ sẽ không cần, không gọi điện, cũng chẳng nhắn tin, Thuỳ mặc kệ vì giờ Thuỳ đã có Lam, một người bạn có thể cho Thuỳ sự tỉnh táo và cương quyết.
Thấy Thuỳ cứ đăm chiêu suy nghĩ tôi đâm ra áy náy vì có lẽ tôi đã chạm vào nỗi niềm thầm kín nhất của Thuỳ, tôi khẽ cúi xuống nhìn vào mặt Thuỳ và hỏi :
- Mình về nhé, gần 12giờ đêm rồi đấy.
Thuỳ như sực tỉnh, ngẩng mặt nhìn tôi rồi gật đầu, đường phố giờ thì vắng hoe hẳn. Sinh nhật Thuỳ bỗng chốc trở nên buồn buồn, tôi chẳng muốn thế, tôi chỉ muốn thấy Thuỳ vui, Thuỳ vui thì tôi mới vui, thì cái mạch văn chương trong tôi mới trôi chảy, từ bao giờ và từ khi nào, tôi không biết nhưng có một điều tôi rất rõ là Thuỳ đang dần là nguồn cảm hứng trong tôi. Tôi chở Thuỳ về và tôi kể đủ thứ truyện cho Thuỳ nghe, cứ giống như tôi đang kể 1001 đêm. Tôi dừng lại trước cổng nhà Thuỳ đúng lúc đèn đường vụt tắt chỉ còn chút ánh sáng vàng vọt của ngọn điện trong nhà Thuỳ le lói hắt ra. Nhưng cũng chỉ cần chừng ấy là đủ để tôi có thể nhìn thấy nụ cười trên mặt Thuỳ, Thuỳ đã cười, cuối cùng Thuỳ cũng cười. Thuỳ tần ngần mãi mới rời xa tôi và cái xe để bước vào nhà, rồi như nhớ ra điều gì, Thuỳ dừng lại, quay đầu và nắm lấy bàn tay tôi :
- Cảm ơn Lam! Hôm nay Thuỳ rất vui.
Tôi mở to mắt, hơi ấm bàn tay Thuỳ làm tay tôi ướt sũng, những ngón tay nhỏ nhắn như vẫn còn lồng vào những ngón tay tôi. Tôi cười, một nụ cười như người mộng du, tôi gật đầu và dắt chiếc xe trở ra. Đêm đó tôi đã mơ về Thuỳ.